Thứ Tư, 19 tháng 12, 2012

Dông cát - Đặc sản Nắng Gió

Dông là loài động vật bò sát, sống ở những vùng đất cát, nhất là ven biển. Khi gặp nguy, nó chạy rất nhanh, nên người ta gọi là con dông. Con dông xuất hiện quanh năm, rộ nhất vào mùa mưa (khoảng từ tháng 3 đến tháng 5 âm lịch). 
Dông cái (còn gọi là dông mắm) khiêm tốn với bộ da độc một mầu, còn dông đực (dông thềm) có bộ da nhiều mầu sặc sỡ. Bắt dông có nhiều cách: đào, bẫy, chặn ngách, giăng lưới, dò, thổi... Chỉ riêng cách đánh bẫy cũng phong phú: nào là bẫy ống, bẫy đạp, bẫy cạm, bẫy vòng... Những tay đầu bếp ở Ninh Thuận chế biến thịt dông thành 7 món rất sành điệu: gỏi dông, chả dông, dông nướng, dông rôti, dông hấp, dông nấu dưa hồng và cháo dông.
CÁC MÓN NGON TỪ DÔNG CÁT

1) GỎI DÔNG


Gỏi dông là một món được nhiều người ưa thích. Thịt dông trộn với rau sống, nước mắm me là thành món "đặc sản" vùng biển. Nhưng chỉ cần chế biến thêm chút nữa, nó trở thành một món ẩm thực sang trọng. Dông để nguyên con, chế nước sôi vào khoảng vài phút, rồi cạo nhẹ cho bong sạch lớp da đất, làm sạch ruột. Làm xong, rửa sạch lớp đất đen ở bụng, sau đó vắt ráo nước, rồi đem luộc chín xé lấy thịt và loại bỏ phần xương.
Thịt dông luộc xé nhỏ, đem ướp gia vị: muối, đường, bột ngọt, tỏi (giã nhỏ) cho ngấm, rồi trộn với hành tây, cà rốt, hành khô và rau răm..., thái mấy lát ớt thành những miếng mỏng xéo trang trí lên cho đẹp mắt.
Gỏi dông ăn kèm với bánh tráng nướng rất ngon miệng. Tùy khẩu vị từng người mà có thể thêm vào nước tương cho đậm đà. Miếng bánh tráng vàng rụm, nhai giòn tan quyện cùng chất thịt ngọt mát và vị thơm đặc trưng của loài dông, tạo nên hương vị đậm đà. Nếu có dịp thưởng thức món gỏi dông, bạn sẽ cảm thấy nó không thua kém gì các loại thịt gà.


2) DÔNG NƯỚNG
dông nướng
Hấp dẫn hơn là món dông nướng. Có hai cách để làm dông nướng, tùy theo yêu cầu của khách hàng. Dông nướng để nguyên da, và dông nướng ướp muối ớt sau khi đã lột da. Ngon nhất trong con dông nướng là mật và trứng dông. Mật dông có vị béo nhân nhẩn và để lại cái hậu thật ngọt. Trứng dông rất béo, bùi bùi dùng không ngán, được xem là một loại sơn hào hải vị.

Thịt dông thơm, mềm và có vị ngòn ngọt, gần giống như thịt gà nên còn được gọi là “gà đất”. Khi chế biến, người ta có thể ướp thịt dông với sả và gia vị rồi đem nướng, hoặc có thể làm món dông bằm xúc bánh tráng. 


3) CHẢ DÔNG
Với 5 con dông sống, bạn có thể chế biến món này cho 5 người lai rai ngon lành. 100g giò sống, lá xào dông, hành tím, tỏi, sả, ớt, nước mắm, bột ngọt, tiêu và dầu ăn.
chả dông
Trước hết phải chặt đầu, lột da; muốn lột da dông cho dễ thì dùng dao rạch một đường giữa bụng từ cổ xuống đuôi; sau đó bỏ bộ lòng, chặt bớt đuôi và bốn bàn chân. Chú ý khi làm dông phải giữ vệ sinh sạch sẽ vì dông làm xong không được rửa bằng nước lã để khỏi tanh. Thường người ta dùng lá chuối lót khi làm dông.
Có được thịt dông, muốn chế biến món chả dông phải dùng dao bằm nhuyễn hay dùng cối xay thịt rồi giã nhuyễn cùng với các loại gia vị như: ớt, hành, tiêu, tỏi, mỡ heo hay dầu ăn. Sau đó trộn thịt dông cùng gia vị với một ít nấm mèo và bách thảo đã cắt nhỏ, dùng bánh tráng mỏng cuốn hỗn hợp này thành những cuốn bằng ngón tay rồi bỏ vào chảo dầu chiên dòn. Món này ăn kèm với cơm rất ngon.

4) CHÁO DÔNG
Sau món chả, những người sành ăn còn muốn húp chén cháo dông nóng hổi vào cuối cuộc nhâm nhi. Thịt dông sau khi giã nhuyễn để làm chả thì dành lại một ít để nấu cháo, thường một nồi cháo cho bốn người ăn thì sử dụng một lạng thịt dông là vừa. Muốn nồi cháo ngon thì xào qua thịt dông bằng dầu ăn. Gạo dùng nấu cháo phải là gạo thơm Tuy Hòa, ngâm sơ qua nước lã đến khi nồi nước thịt dông sôi ùng ục thì đổ gạo vào một lúc rồi nêm thêm muối mắm, mì chính, hành, tiêu... thế là có nồi cháo dông đặc biệt bồi dưỡng cơ thể sau những giờ lao động chân tay, trí óc mệt nhọc hoặc sau những “trận” chén chú, chén anh rượu vào lời ra, bụng đói meo...

Đặc sản Nắng Gió chuyên cung cấp dông cát cho nhà hàng, quán nhậu. Hãy gọi cho chúng tôi để có giá sỉ tốt nhất!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét